Tiểu sử Tuân Nguyễn

Profile/ Tiểu sử Tuân Nguyễn

Nhạc sĩ: Tuân Nguyễn
Tên thật/ tên đầy đủ: Nguyễn Tuân
Ngày sinh/ Năm sinh/ thành lập: 25/09/1933
Nước/ quốc gia: Việt Nam
Ông tên thật là Nguyễn Tuân, sinh ngày 25 tháng 9 năm 1933, quê quán tại làng Lại Thế, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế[2]. Thủa nhỏ, có thời gian theo cha làm nghề kiểm lâm ra sống ở Quảng Bình.
Thời niên thiếu, ông theo học trường dòng Pellerin ở Huế, tốt nghiệp Tú tài 2, thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, lại biết cả chữ Hán. Năm 1949, ông thoát ly gia đình tham gia Đoàn học sinh kháng chiến Huế khi mới 16 tuổi. Năm 1950, ông vào chiến khu tham gia Vệ quốc đoàn, từng tham gia tại chiến trường Lào.
Sau năm 1954, ông xuất ngũ, theo học khoa Văn khoá I, Đại học sư phạm Hà Nội. Năm 1957, ông tốt nghiệp ra trường làm giáo viên ở Trường học sinh miền Nam tại Hà Đông.
Ngay từ thuở nhỏ, ông được bạn bè đánh giá là một người mộng mơ, lãng mạn, có năng khiếu văn chương. Khi trưởng thành, thấy tên mình trùng với nhà văn Nguyễn Tuân, tác giả của Vang bóng một thời, nên ông đã đảo ngược tên mình để trở thành bút danh Tuân Nguyễn.[3]
Năm 1960, ông chuyển về làm Biên tập viên chương tình Tiếng Thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam[4]. Do vị trí công tác, cũng như thái độ nghiêm túc trong công việc, ông có quan hệ rộng rãi với giới văn nghệ sĩ và được nhiều bạn hữu quý mến.
Do tính cách thẳng thắn, ông đã có lần viết một bài phóng sự, phanh phui vụ móc ngoặc tại công trường thủy lợi, nông trường Rạng Đông (Nam Định) nghiệm thu khống, lấy tiền chia nhau. Tuy nhiên, ông bị trưởng phòng biên tập cho là "không có lập trường, nói xấu cán bộ, bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa"[3].
Là một trí thức thuộc thành phần tiểu tư sản, ông thường xuyên gặp rắc rối với những đồng nghiệp cực đoan. Ngày 21 tháng 10 năm 1964, ông bị bắt tại cơ quan với lý do "có ý tưởng đi ngược với đường lối chính sách". Nguyên do được xác định là ông đã có thái độ đồng tình với Dương Bạch Mai, một chính khách có liên quan trong Vụ án Xét lại Chống Đảng, cùng những ghi chép cá nhân trong nhật ký bị những cán bộ cực đoan suy diễn là "nói xấu chế độ, tư tưởng lệch lạc". Do có mối quan hệ thân thiết với giới văn nghệ, nên việc ông bị bắt vì cuốn nhật ký của mình cất trong ngăn kéo do một đồng nghiệp cùng phòng lấy trộm nộp cho tổ chức, đã làm rung động giới trí thức Hà Nội bấy giờ.[3]
Ông bị đưa đi trại "cải tạo" 9 năm 7 tháng. Năm 1973, ra trại đi làm nghề đánh vécni và dọn vệ sinh ở ga Hàng Cỏ để kiếm sống. Sau năm 1975, ông được xác nhận một lý lịch khác ghi thời gian đi trại là "đi chữa bệnh"![5].
Cuối năm 1974, ông lập gia đình với nhà thơ Phương Thúy[6], giáo viên dạy đàn tam thập lục ở Nhạc viện Hà Nội – con gái Hoài Chân (là đồng tác giả Thi nhân Việt Nam với Hoài Thanh). Đầu năm 1976, gia đình ông chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Tuân Nguyễn đi dạy học, dịch sách và đi lấy báo cho vợ bán.
Ngày 25 tháng 4 năm 1983, trên đường đi lấy báo về, ông gặp tai nạn giao thông, đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng không qua khỏi. Trước khi mất, Tuân Nguyễn có một lời trăng trối rất nhân đạo: "Đừng bắt tội người tài xế, ông ấy còn phải nuôi 8 đứa con... Lỗi tại tôi... ".[4]
Tuân Nguyễn qua đời ngày 9 tháng 5 năm 1983 (nhằm ngày 27 tháng Ba năm Quý Hợi), an táng tại lô 7, đường số 3, Nghĩa trang Gò Dưa, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Trong thời gian chung sống với nhà thơ Phương Thúy, ông bà không có với nhau người con nào.
 
 

Ghi chú về tiểu sử Tuân Nguyễn


Thông tin tiểu sử nhạc sĩ Tuân Nguyễn với đầy đủ thông tin về ngày sinh, tên thật, quê quán, ảnh nhạc sĩ cũng như các sáng tác của nhạc sĩ được cập nhật liên tục trên loibaihat.biz.
Nếu thông tin bị sai hoặc thiếu, bạn có thể đóng góp cho quản trị website qua phần comment hoặc gửi email.
Từ khóa: Tiểu sử Tuân Nguyễn, tieu su Tuan Nguyen, Tuan Nguyen profile, ảnh nhạc sĩ Tuân Nguyễn.